Kích thước cửa cổng có ý nghĩa rất quan trọng, ảnh hưởng đến thẩm mỹ cũng như phong thủy của ngôi nhà. Dân gian ngày xưa hay nói “Nhà cao cửa rộng”, nếu nhà cao thì cửa phải rộng mới phù hợp tương ứng. Tuy nhiên không phải cửa cổng rộng hay cao bao nhiêu cũng là tốt, mà nếu cao quá hay rộng quá thì lại không tốt mà ngược lại còn xấu.
Thiết kế của cổng đầu tiên cần lưu ý sinh khí trước tiên theo cổng luân chuyển qua sân, vào nhà qua cửa chính và các cửa phụ. Vì thế, có thể xem cổng là lối vào đầu tiên của khí, đồng thời là bộ mặt của ngôi nhà, và cũng là tấm bình phong phân chia không gian trong và ngoài. Những nguyên tắc phong thủy sau đây sẽ giúp bạn thiết kế cho ngôi nhà thân yêu của mình một cổng rào hài hòa về ngoại hình và hòa hợp với không gian xung quanh.
Để chọn kích thước cửa cổng phải căn cứ theo thước Lỗ Ban để chọn kích thước tốt. Tuy nhiên cần lưu ý thêm là nếu chọn theo Lỗ Ban đã được kích thước tốt thì 2 kích thước: chiều rộng, chiều cao phải là âm – dương (Dương là số lẻ, Âm là số chẵn) thì sự phối hợp mới cát tường, “phúc lộc vĩnh trinh”. Chỉ một kích thước dương hay một kích thước âm thôi thì rơi vào “Cô Âm Bất Sinh, Độc Dương Bất Trưởng”.
Nếu hướng trổ cửa cổng mà có sao xấu chiếu tới trong vận đó (1 vận kéo dài 20 năm) mà không thể thay đổi hướng thì tốt nhất cửa cổng nên có kích thước nhỏ. Ngược lại cửa có sao tốt chiếu tới thì nên để kích thước cao rộng. Để cho khí xấu vào ít, mà khí tốt thì vào nhiều. Muốn biết cửa nào có sao xấu, tốt chiếu là căn cứ vào trạch vận phi tinh bàn của căn nhà đó.
Vị trí cửa cổng hoàn toàn phụ thuộc vào Phi Tinh và đo đạc mạch đất: có những mạch đất tốt khi người ra vào đạp lên thì vui vẻ, sảng khoái; còn mạch đất xấu khi ra vào mà đạp lên thì tâm trạng nóng nảy, bực dọc, khó chịu, chứ không nhất thiết phải đặt vào chính giữa. Do đó việc xây dựng các công trình lớn đòi hỏi xem xét về Huyền Không và Địa Lý, để tìm người biết được những kiến thức này không hề dễ, mà các kiến trúc sư càng không nắm rõ vì trong trường kiến trúc chỉ dạy những điều căn bản của phong thủy; Muốn tìm hiểu mạch đất, tầng địa chất dĩ nhiên là không dễ, nên môn này rất kén người để truyền thụ.
Khi đã tính toán được vị trí đặt cửa cổng thì phải cố gắng đặt cửa trong 1 vị trí 1 sơn mà thôi. Không nên đặt cửa quá hẹp thì không thu nạp được khí tốt; còn nếu cửa cổng quá rộng thì khí vào nhà sẽ bị tạp loạn, lai nhiễm vừa xấu vừa tốt nên dẫn đến mặc dù đặt tại nơi tốt, đón khí tốt nhưng cửa, cổng cũng đồng thời đón cả khí xấu. Cách xác định là vẽ sơ đồ căn nhà theo đúng tỷ lệ mà áp lên la bàn để xem kích thước cửa có phù hợp hay nằm trong 1 sơn không. Tâm điểm la bàn chính là trung cung nhà.
Nếu kích thước hay vị trí đặt cửa cổng không đúng có thể bạn sẽ không cảm thấy tài lộc hay sức khỏe bị ảnh hưởng nhưng dứt khoát con người sống trong nhà đó sẽ sinh ra bần tiện, hung ác, nhỏ mọn, hay ghen ghét, đố kỵ, tham lam, … Đây cũng là yếu quyết trong nghề khi xem xét nhà có nhân đinh xấu.
Thiết kế cổng luôn phải phù hợp với kích thước của nhà chính. Sự cân đối, hài hòa giữa các yếu tố luôn là nguyên tắc bất di bất dịch của phong thủy. Nếu cổng quá lớn, quá rộng sẽ khiến khí bị phân tán. Ngược lại cổng quá nhỏ sẽ không tiếp đủ khí cho ngôi nhà.
Ngoài kích thước, cần quan tâm nhiều đến vị trí đặt cổng, kiểu dáng cũng như đường dẫn từ cổng vào nhà. Cổng tốt phải đặt ở vị trí sinh vượng, “khí trường” được dẫn dắt để vào một không gian nào là do sự dịch chuyển của các luồng giao thông do con người tạo nên. Vì vậy, bạn phải lưu ý hướng di chuyển từ đường vào cổng nhà sao cho việc đi đứng thuận lợi nhất, tránh được những xung sát từ bên ngoài như góc nhọn của nhà đối diện, đối diện cột điện, cây cổ thụ, các hướng giao thông giao cắt bất lợi khi bạn ra vào nhà.
Cũng không nên thiết kế cửa cổng quá “kín cổng cao tường”, nên chừa những khoảng hở giúp không khí lưu thông tốt, tránh tù hãm. Không nên trồng nhiều loại cây um tùm che kín cổng và nên lưu ý chặt tỉa bớt cây cối xung quanh để cổng luôn rộng rãi, sáng sủa.
Cần dẹp bỏ những thứ gây cản trở lối ra vào như cây cối, cột, vách tường… Những thứ này có thể cản trở vận khí, tài lộc và sức khỏe của người sống trong nhà. Tuy nhiên, cây cối ở khoảng cách an toàn với ngõ lại thuận tiện cho việc bảo vệ cửa nhà. Tạo minh đường sáng sủa là nguyên tắc vàng giúp khí lưu thông vào nhà được tốt hơn.
Đường từ cổng vào nhà phải cân đối với cổng. Nếu lối đi chật hẹp hoặc bị cây cối rậm rạp che khuất tầm nhìn thì vận khí vào nhà ít hoặc bị mất cân bằng. Trong trường hợp này, có thể khắc phục bằng cách mở rộng lối đi hoặc không trồng những cây to, rậm rạp gần ngõ.
Nếu nhà nằm trên triền dốc hoặc nền nhà chính cao hơn mặt sân thì ngõ vào phải có bậc tam cấp và không được thiết kế quá dốc, bởi bậc tam cấp hẹp và dốc thì gia chủ khó giữ được tiền bạc. Chiều cao của một bậc tam cấp cao nhất chỉ khoảng 17cm.
“Trực lai trực khứ tổn nhân đinh”, đây là nguyên tắc vàng cho việc chọn nhà, xây nhà cũng như thiết kế các phân luồng giao thông cho nhà ở. Đến thẳng, đi thẳng gây hại người hại của là do các luồng trực xung quá mạnh, không phù hợp với nhịp sinh học của con người.
Việc thiết kế đường dẫn từ cổng rào vào nhà cũng phải đảm bảo nguyên tắc này, đường đi vòng cung hay uốn lượn nhẹ nhàng từ cổng vào đến cửa nhà sẽ tránh tạo ra xung sát.
Nếu bạn chọn phong thủy Bát Trạch, hướng thuận theo cung mệnh của chủ nhà, gia chủ sẽ thuộc Tây Tứ Mệnh, nên mở cổng tương ứng bốn hướng Tây, Tây Bắc, Tây Nam và Đông Bắc. Gia chủ Đông Tứ Mệnh thì mở cổng thuộc các hướng Bắc, Đông, Đông Nam và Nam. Vị trí cổng mở xét từ bên trong khu đất nhìn ra nên tránh bố trí thẳng với ngã ba, tránh dẫn lối “trực xung” với cửa cái của nhà.
Nếu bạn chọn hướng mở cổng theo Dương Trạch tam yếu thì hướng cổng cùng nhóm Đông Tứ Mệnh hay cùng Tây Tứ Mệnh với cửa, phòng chủ nhà và hướng bếp, còn bạn chọn hướng cổng theo trường phái Huyền Không phi tinh thì chọn hướng có sao sinh vượng trên tinh bàn. Dù bạn chọn mở hướng cổng theo trường phái phong thủy nào thì cũng nên chọn chính phương, chính hướng để tránh tạp khí.